“So good they can’t ignore you – by Cal Newport” (Nguyên tác) mang tới một cách tiếp cận khác mới mẻ về việc: Làm thế nào bạn tìm thấy công việc mà bạn yêu thích và khiến bạn hạnh phúc?
Cuốn sách bác bỏ quan điểm: Theo đuổi đam mê, hạnh phúc/ thành công sẽ đến với bạn. Sự khác biệt là: Theo đuổi đam mê, bạn sẽ tập trung nhiều hơn về giá trị mà thế giới cho bạn. Ngược lại, theo đuổi kỹ năng, bạn sẽ là người chủ động cho đi để được nhận lại. Thêm vào đó, khi bạn càng tìm kiếm ví dụ về việc theo đuổi đam mê, bạn càng nhận ra sự hiếm hoi của nó. Có thể bạn sẽ thấy cuốn sách có những điểm chưa thuyết phục vì bất cứ khi nào một ý kiến (mà nhiều người đồng thuận là đúng) bị phủ định hoàn toàn cũng sẽ phát sinh phản ứng trái chiều; Đó cũng có thể được xem là một phương thức hay để quảng cáo cho cuốn sách và dẫn đến nhiều hơn sự thành công của tác giả. Nhưng độc giả chúng ta thì nên chọn học những điều hữu ích, tích cực còn những tiêu cực chưa chuẩn xác thì nên hạn chế sự ảnh hưởng để phát triển bản thân theo hướng tốt nhất.
Cuốn sách chỉ ra rằng khi bạn chọn bất kỳ ngành nghề, hay hướng đi nào bạn cũng có thể biến nó thành thứ công việc mà bản thân yêu thích/ hạnh phúc bằng chiến lược cụ thể, tóm gọn lại như sau:
Bước 1: Nếu có thể, hãy cân nhắc chọn ngành nghề nào có nhiều hơn những phẩm chất bạn dự định mài dũa mà người khác khó có thể có được.
Ví dụ như bạn chọn là người giữ xe, kể cả khi bạn làm công việc đó một vài năm thì bạn cũng khó mà rèn giũa vốn liếng sự nghiệp nổi bật để người khác không thể phớt lờ bạn.
Bước 2: Thu thập rèn luyện tích lũy vốn liếng sự nghiệp khiến bạn giỏi tới mức không ai có thể phớt lờ bạn.
Phần này tác giả có nói tới một cụm từ: “Học tập/ Luyện tập có chủ đích”. Tôi đúc kết lại các ý khá ấn tượng với tôi:
- Hãy học với người thầy có năng lực/chất lượng tốt để mang lại hiệu quả cao và được sửa lỗi nhanh nhất.
- Cam kết và thực hiện mỗi ngày để vượt qua giới hạn/vùng an toàn của bản thân.
Bước 3: Tạo cho mình tự chủ/ tự do (tài chính/ thời gian) và việc tìm kiếm sứ mệnh.
Khi người khác sẵn sàng trả tiền cho bạn, thì lúc đó bạn nên suy nghĩ về quyết định để bản thân có công việc với nhiều hơn sự tự do/ tự chủ.
Khi tôi chuyển vào Sài Gòn làm việc, tôi được khá nhiều bạn hỏi: “Tại sao bạn lại chọn làm việc ở Sài Gòn với những đông đúc kẹt xe, bon chen xô bồ, không khí ô nhiễm…”
Tôi trả lời: “Bất kỳ việc gì cũng sẽ có hai mặt, thành phố hay miền quê cũng vậy. Quan trọng là bạn chọn điều gì để tập trung vào? Hãy đừng nhìn vào những xấu xí mà quên mất đi nhiều điều đẹp đẽ cùng tồn tại song song.”
Khi bạn dựa vào mặt tích cực của sự việc sẽ thúc đẩy bạn tiến xa hơn, bạn cũng thừa nhận những điểm tiêu cực nhưng hãy để nó lại phía sau.
Đối với tôi, Sài Gòn như một chàng thanh niên đầy sức sống. Nơi đó có các công ty (nhỏ/vừa/ lớn) với nguồn nhân lực đa dạng và sự cởi mở của nền kinh tế năng động. Người trẻ sẽ có nhiều cơ hội học tập rèn luyện phát triển bản thân, tích lũy vốn liếng kinh nghiệm xã hội từ gặp gỡ người dân quê, thành thị tới ngoại quốc. Ngoài ra, các dịch vụ xã hội như trường học, bệnh viện, đường xá, khu vui chơi giải trí cũng đa dạng luôn nè. Và Sài Gòn rất đẹp đấy chứ, nắng vàng cả năm, hoa nở khắp nơi và những con người thân thiện, hàng ngày mở mắt ra sẽ là: Con với cô, con với chú, con với ông với bà…
Tôi tin rằng một người (với đam mê thì càng tốt) đi theo cách thức thực hiện đúng đắn sẽ đạt được thành tựu vĩ đại. Cuộc đời bạn nở hoa ra sao, điều đó phụ thuộc vào sự lựa chọn, niềm tin mà bạn hướng bản thân tới.